Vải lụa là gì? Đặc tính, ưu điểm và công dụng của vải lụa

Vải lụa là gì

Nguồn gốc và sự phát triển của vải lụa. Quy trình sản xuất lụa. Công dụng, ưu nhược điểm của vải lụa và một số cách vệ sinh, bảo quản.

vải lụa Phơi vải lụa

Vải lụa là một trong những chất liệu cao cấp được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thời trang. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về chất vải này. Hãy cùng Vải Nghĩa tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để biết vải lụa là gì và công dụng, ưu nhược điểm của chất vải này.

I. Vải lụa

Vải lụa là chất vải có bề mặt bóng mịn, được dệt từ các sợi tơ tằm, tơ nhện, tơ sen,…Để dệt được những tấm lụa mượt mà, óng ả phải trải qua quy trình sản xuất rất công phu. Những sợi tơ để dệt vải được lấy từ việc nuôi tằm. Chất lượng sợi tơ tằm sẽ phụ thuộc rất lớn vào loại lá dùng để nuôi tằm. Người ta sẽ cho tằm ăn lá dâu hoặc các loại lá khác như lá sồi, lá sắn, lá lạc để thu được những sợi tơ chất lượng nhất. Chính vì quy trình sản xuất công phu nên vải lụa là một trong những chất liệu có giá thành khá cao.

II. Nguồn gốc và sự phát triển của vải lụa

Vải lụa là một trong những chất liệu đã có từ lâu, bắt nguồn từ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Lúc bấy giờ do số lượng sản xuất còn ít nhưng quy trình sản xuất rất công phu nên lụa chỉ được dùng cho tầng lớp quý tộc, vua chúa, và trở thành một trong những loại cống phẩm quý giá bậc nhất.

Sau đó vải lụa dần tiếp cận gần hơn với công chúng và bắt đầu được sử dụng phổ biến trong mọi tầng lớp, lan rộng khắp châu Á, trở thành huyền thoại với con đường tơ lụa đi khắp thế giới, trở thành một trong những loại vải có tầm ảnh hưởng lớn đối với giới mộ điệu.

Vải lụa hoa táo
Vải lụa hoa táo

Với sự phát triển không ngừng, không lâu sau những thước vải lụa đầu tiên cũng đã có mặt và được săn đón tại các nước Châu Âu qua con đường tơ lụa. Tại Việt Nam, lụa cũng đã xuất hiện vào khoảng đời vua Hùng thứ 6. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện những làng chăn tằm, ươm tơ đầu tiên tại Ba Vì. Do người hoa đến định cư và mang theo con giống lẫn nghề dệt truyền thống. Cho đến ngày nay, những làng nghề dệt lụa truyền thống vẫn được bảo tồn và phát triển.

 III. Quy trình sản xuất lụa

1. Nuôi tằm

Thời điểm nuôi tằm tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu, khi tiết trời mát mẻ, không quá hanh khô hay lạnh lẽo để đảm bảo sự phát triển tốt nhất của tằm. Khoảng từ 23-25 ngày gồm 4 độ tuổi tằm khác nhau và trải qua 4 lần lột xác, tằm sẽ nhả tơ.

Tằm ăn lá (95% là lá dâu, còn lại có thể sử dụng lá lạc, lá sắn, lá sồi,…) cả ngày và đêm trong vòng 3 tuần liên tục, cho đến khi chúng đạt kích thước tối đa sẽ bò đến nơi thích hợp nhả tơ và tạo kén.

Sâu tằm
Sâu tằm

2. Tằm nhả sợi kén

Người thợ sẽ dùng những chiếc né được làm từ thân cây đay, tạo thành những ô có hình chữ nhật thông thoáng cho tằm bắt đầu nhả kén.

Tằm sẽ nhả tơ để tạo vỏ bọc bên ngoài cố định tổ kén, sau đó chúng chui vào trong kén và chuyển động theo hình số 8 để nhả tơ với tần suất khoảng 3000 vòng, tạo thành những sợi tơ có chiều dài gần 1000 km quanh kén.

3. Ươm tơ tằm

Sau khi tạo kén nhả tơ được khoảng 1 tuần thì tằm bắt đầu ươm tơ trong khoảng 5 ngày. Nếu lâu hơn, tằm sẽ nở thành con ngài và cắn lớp kén chui ra ngoài, như vậy tơ sẽ bị vun và không se được sợi nữa.

Sau khi ươm tơ, người ta sẽ đem kén thả vào nước sôi để chất sericin trong kén tan ra giúp xác định được mối tơ để se sợi. Đây là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu thô cho quá trình se sợi. Số lượng tơ chính phẩm từ quá trình rút kén để lấy tơ dệt lụa chỉ đạt 60%, số 40% còn lại được tận dụng để dệt lụa đũi.

4. Dệt lụa

Tùy vào chất lượng tơ mà người ta sẽ điều chỉnh độ dày mỏng cũng như độ mềm cứng của những thước lụa.

5. Nhuộm màu vải lụa

Trước khi nhuộm, lụa được ngâm trong nước ấm để những lớp keo trên bề mặt lụa sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Sau đó, theo cách truyền thống, lụa sẽ được đem đi ngâm trong những chất tạo màu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây, các loại củ,… thành những tấm lụa có màu sắc bắt mắt phù hợp. Ngày nay thì sử dụng thuốc nhuộm hoạt tính để tiện sử dụng công nghiệp và đạt hiệu suất cao hơn, cũng như giữ màu sắc tươi sang và bền hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

IV. Các loại vải lụa phổ biến hiện nay

1. Vải lụa cotton.

Lụa cotton có nhiều đặc tính nổi bật như vẻ ngoài sáng bóng, không bị nhăn khi giặt, có khả năng chống tĩnh điện phù hợp với nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.

2. Vải lụa tơ tằm.

Đây là loại lụa cao cấp nhất hiện nay, được ứng dụng rất nhiều trong thời trang cao cấp, áo dài, lễ phục và đầm dạ hội. Màu sắc của những tấm lụa này thường khá đơn giản với các màu đơn sắc, hoa văn cũng giản dị và truyền thống.

3. Vải lụa gấm.

Đây là chất liệu được kết hợp từ hai loại vải cao cấp là lụa và gấm, có đặc điểm mềm mịn, dày dặn, màu sắc đa dạng, họa tiết sang trọng, thường được dùng trong may trang phục lễ hội, dạ tiệc hoặc thiết kế chăn gối đệm cao cấp.

Lụa Satin
Lụa Satin

4. Vải lụa satin.

Lụa satin là lụa tơ tằm được áp dụng kỹ thuật dệt vân tạo sự đan kết chặt chẽ giữa những sợi ngang và sợi dọc, giúp vải bóng đẹp và bền hơn. Do đó giá của lụa satin cũng hơn hẳn những loại khác.

5. Vải lụa cát.

Là loại vải mềm, mỏng, có độ rũ, mặt vải hơi nhám, khi cọ nhẹ vào nhau có cảm giác như những hạt cát chuyển động. Loại vải này được dùng phổ biến để may trang phục áo dài.

V. Ưu điểm và nhược điểm của chất liệu vải lụa

1. Ưu điểm của vải lụa

  • Vải lụa mềm mại, mịn màng, sáng bóng, có độ mỏng nhẹ nhất định.
  • Vải có khả năng điều hòa nhiệt độ, thấm hút tốt.
  • Bền với nhiệt.
  • Lụa có thành phần tơ tự nhiên hoàn toàn lành tính với làn da.
  • Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, an toàn với người dùng.

2. Nhược điểm của vải lụa

  • Trong quá trình nuôi tằm dễ bị mọt, côn trùng cắn.
  • Khi gặp mồ hôi dễ bị ố vàng.
  • Có nguồn gốc từ thiên nhiên nên khó nhuộm màu.
  • Độ đàn hồi không được tốt như một số chất vải khác.
  • Khó bảo quản, giá thành cao.

VI. Vải lụa có giá bao nhiêu

Ngày nay, lụa thường được sản xuất công nghiệp pha nhiều loại sợi khác nhau nên giá cũng giảm đi đáng kể. Có 3 phân khúc cho bạn lựa chọn:

  • Loại cao cấp: như lụa Vạn Phúc, lụa Hàn được bán với giá dao động từ 450.000 đến 1.000.000 đồng/mét.
  • Loại có pha cotton, viscose có giá mềm hơn từ 150.000 đến 450.000 đồng/mét tùy loại như lụa satin, lụa cotton, lụa hoa Jacquard, lụa cát, lụa gấm.
  • Lụa pha poly của Trung Quốc có giá chỉ từ 60.000 – 85.000đ/mét.

VII. Công dụng nổi bật của vải lụa

Lụa tơ tằm cao cấp được ứng dụng trong may các loại trang phục áo dài, đầm dạ hội, áo sơ mi,…cùng một số phụ kiện như cà vạt, khăn quàng cổ,…Ngoài ra, vải lụa còn được dùng để sản xuất vải bọc đồ nội thất, ga giường, rèm cửa, tranh trang trí treo tường,…

Lụa cao cấp
Lụa cao cấp

VIII. Cách phân biệt vải lụa Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc

1. Lụa Việt Nam: lụa Vạn Phúc – Hà Đông.

  • Khổ vải: có 2 khổ vải phổ biến là 0,9m và 1,5 m theo chiều ngang.
  • Bề mặt lụa: thường mỏng, mềm, mịn, không bám bụi bẩn, dùng tay vò nát không nhăn, khi đốt có mùi khét, cháy xong sẽ có tro muội, không vón cục, không có nhựa.
  • Hoa văn trên lụa: thường trơn bóng, không có nhiều họa tiết phức tạp, mép tấm vải có in tên lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông, lụa Thái Tuấn.
  • Giá: dao động từ 150.000 đến 450.000 đồng/mét tùy loại.

2. Lụa Trung Quốc.

Lụa hàng châu
Lụa hàng châu

Trung Quốc có làng nghề dệt Hàng Châu nổi tiếng, tuy nhiên loại lụa này ít khi được đưa sang Việt Nam. Đa số vải lụa từ Trung Quốc đều là lụa pha nylon với nhiều hoa văn bắt mắt, mang một số đặc điểm sau:

  • Khổ vải: có nhiều khổ khác nhau như 1.2m, 1.3m, 0.8m, không theo 1 quy chuẩn nào cả.
  • Bề mặt: lụa Trung Quốc nhìn chỉ óng chứ không mềm mượt, khi vò lại thấy nhàu, khi đốt sẽ khét, không có tro mà vón cục vì đa số pha poly, nylon, hoa văn đẹp mắt vì dùng công nghệ in lên vải chứ không phải dệt hoa văn như lụa cao cấp.
  • Giá: lụa Trung Quốc có giá dao động từ 100.000 đến 200.000đ/mét.

3. Lụa Hàn Quốc.

  • Khổ vải: thường là 1.5 m – 1.6m.
  • Bề mặt: mềm mịn, mát, sáng bóng, lụa cao cấp khi vò nó không nhàu, đốt có tro không vón cục, thoáng mát khi mặc, trên mép vải có các thông số bằng chữ Hàn Quốc và thông tin nhập khẩu về Việt Nam
  • Giá: vải lụa Hàn Quốc cao cấp có giá từ 150.000 đ – 1.000.000đ/ mét tùy loại.

IX. Một số lưu ý khi vệ sinh và bảo quản vải lụa

  • Cẩn thận lựa chọn hóa chất giặt tẩy.
  • Không ngâm lâu trong nước hoặc hóa chất giặt.
  • Phân loại quần áo sáng màu, tối màu trước khi giặt.
  • Không nên vắt vải mạnh khi giặt.
  • Nên ủi mặt trái của vải, tránh nhiệt độ cao.

Trên đây là một số thông tin về chất vải lụa, ưu nhược điểm và công dụng của nó. Vải Nghĩa hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích giúp bạn có thể chọn lựa loại lụa phù hợp và bảo quản đúng cách.

Bạn có nhu cầu mua vải thun chất lượng cao, liên hệ ngay với Vải Nghĩa qua số hotline 0903.888.514 hoặc website vainghia.vn để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

Vải nghĩa chuyên sản xuất, phân phối vải thun chất lượng cao trên thị trường. Các sản phẩm vải thun của vải nghĩa được các thương hiệu nổi tiếng đồng hành nhiều năm qua.

 

Vải lụa tơ nhện
Vải lụa tơ nhện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!